Cáp quang AAG tiến hành mối hàn nối cáp đứt cuối cùng

21:40:00
Theo thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia Gateway Pacific), vào 11 giờ 16 phút ngày 22/1, mối nối cuối cùng sẽ được thực hiện.
Cáp quang AAG tiến hành mối hàn nối cáp đứt cuối cùng
Vào lúc 8 giờ 04 phút ngày 5/1/2015, đã xảy ra sự cố khiến tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị lỗi cáp trên đoạn cáp S1H, cách trạm Vũng Tàu 117 km. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.

Trong nỗ lực khắc phục sự cố, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã lên phương án tiến hành hàn gắn cáp với mối nối đầu tiên hoàn thành vào lúc 18 giờ 16 phút ngày 17/1.

Tính đến thời điểm này, cụ thể là vào lúc 11 giờ 16 phút ngày 22/1, mối nối cuối cùng sẽ được thực hiện. Theo dự kiến từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang AAG, đến 11 giờ 16 phút ngày 24/1, cáp sẽ được hàn nối xong. Tuy nhiên, việc hàn cáp thuận lợi, dự kiến sẽ sớm hơn.

Đây là sự cố đầu tiên trong những ngày đầu tiên của năm 2015, cách sự cố trước đó chỉ hơn 3 tháng vào tháng 9/2014, sự cố đã gây sụt giảm 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài.

Sự cố đứt cáp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng. Mặc dù nhiều nhà cung cấp dịch vụ đang khai thác trên tuyến cáp quang này đều đã công bố thông tin rằng, họ đang tiến hành các phương án dự phòng để đảm bảo kết nối cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khảo sát từ người dùng và thông tin bạn đọc cả nước gửi về cho Dân trí khẳng định rằng, tốc độ truy cập Internet đi quốc tế rất chậm chạp và không thể truy cập đến các dịch vụ nước ngoài. Nhiều bạn đọc còn cho rằng, nếu không có thông tin từ báo chí thì không biết rằng cáp quang biển đã đứt.

Bạn đọc Tiến Lực (ngụ quận 8, TPHCM) cho biết: “Thông qua báo chí thì tôi mới biết là đứt cáp quang biển chứ không nhận bất cứ thông tin nào từ nhà cung cấp dịch vụ. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc trao đổi thông tin qua email và bài vở được đăng tải trên những dịch vụ nước ngoài đều không thể tải về. Việc kéo dài thời gian hơn nửa tháng nay, gây ảnh hưởng lớn đến việc học của tôi.”

Về phía một doanh nghiệp làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài tại đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TPHCM) cho biết: “Việc đứt cáp quang gây ảnh hưởng rất lớn nhưng sự cố xảy ra ngoài ý muốn nên chúng tôi đều có thể thông cảm được. Tuy nhiên, những thiệt hại không thể tính toán được và tốn thêm thời gian dài để tìm biện pháp khắc phục lại không được các nhà mạng “ghi nhận và thông cảm” mà giảm chi phí cho doanh nghiệp, vẫn thu đều dù mạng không dùng được.”

Trong khi đó, trong sự cố trước đó vào tháng 9/2014, trong bài viết Internet đi quốc tế đứt liên tiếp, doanh nghiệp “kêu trời” đã đăng tải sự bức xúc đến từ các doanh nghiệp đang kinh doanh Internet tại Việt Nam.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đều khẳng định, họ chưa nhận bất cứ các thông tin về việc đứt cáp quang đồng thời việc đứt cáp quang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và kinh tế của doanh nghiệp khai thác dịch vụ Internet.

“Mạng chậm, không thể dùng, thời gian sử dụng máy của khách ít hơn so với thường ngày, ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng. Tuy chưa có thống kê thiệt hại trong những ngày qua nhưng qua lượng khách và thời gian chơi ngắn đủ có thể thấy rõ doanh thu bị sụt giảm.” một chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Internet tại Gò Vấp, TPHCM cho biết.

Trong khi đó, theo một chủ cửa hàng khác ở quận Phú Nhuận cho biết: “Việc tiền cước vẫn thu đều trong khi cáp cứ đứt liên tục, doanh nghiệp giảm thu nhưng phía các nhà cung cấp dịch vụ không có bất cứ sự hỗ trợ chi phí nào để khắc phục hậu quả, giúp doanh nghiệp giảm thiệt hại”.

Theo Dân Trí

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »